[Xã hội-Pháp luật TPHCM] - Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình

(PLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Phiên họp chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 3-2014. Theo đó, Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tư pháp những vấn đề sau:

Một chủ thể chỉ ban hành một loại văn bản

Về những định hướng lớn xây dựng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng và bảo đảm tính kịp thời trong ban hành văn bản QPPL, Chính phủ thống nhất: phải xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm liên tục của Chính phủ trong quy trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh.

Thu gọn các hình thức văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo hướng một chủ thể có thẩm quyền ban hành chỉ ban hành một loại VBQPPL. Gắn kết chặt chẽ việc ban hành pháp luật với thi hành pháp luật.

Bỏ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ của Quốc hội nhưng cần có định hướng chỉ đạo công tác lập pháp của cơ quan nhà nước, có chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hành năm.

Chính phủ cũng thống nhất việc không giao cho chính quyền cấp huyện và cấp xã ban hành VBQPPL, hạn chế việc ban hành VBQPPL của chính quyền địa phương nhằm phân biệt rõ thẩm quyền lập pháp và lập quy.

Hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình

Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ tư pháp, Bộ Luật Hình sự mới sẽ sửa đổi theo 4 hướng lớn như sau:

-Hướng giảm khả năng áp dụng hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt không giam giữ, đặc biệt hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự, hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên.

-Mở rộng nguồn của pháp luật hình sự theo hướng, một số tội phạm có tính chất đặc thù cao và hình phạt với tội phạm đó có thể được quy định trong các luật chuyên ngành.

-Phải quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân kinh tế

-Thực hiện phi hình sự hóa một số tội phạm không còn phù hợp với Hiến pháp 2013 và điều kiện phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế của nước ta.

Ngoài ra, về vấn đề tham gia BHYT bắt buộc toàn dân của lực lượng vũ trang trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Chính phủ cũng cho rằng, để bảo đảm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong sử dụng Quỹ BHYT, hướng tiếp theo sẽ tiến tới thực hiện Quân đội và Công an nhân dân cũng tham gia BHYT toàn dân, nhưng sẽ theo lộ trình, cơ chế phù hợp đặc thù ngành.

Đ.LIÊN


Tag : nghị quyết 22/NQ-CP, hạn chế tử hình, áp dụng hình phạt tử hình, chuyên đề, xây dựng pháp luật