Phải khẳng định, nhiều người sưu tầm, nhưng lại bán, sinh lợi. Còn ông Thông đã khiến người chơi kính nể. Không chỉ chơi có văn hóa, khoa học, mà ông nhắm đến giá trị nhân văn, chỉ gìn giữ chứ không bán.
Hiếm có người nào mê cổ vật như ông Hoàng Văn Thông, hiện thành lập Bảo tàng cổ vật Hoàng Long, có trụ sở tại 41 Đội Cung (TP. Thanh Hóa). Cũng hiếm có người nào tâm huyết, có cách trưng bày “oách” và được đánh giá cao như bảo tàng của ông Thông. Là bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Thanh Hóa và là một trong ba bảo tàng tư nhân lớn nhất cả nước.
“Giữ giá cho đam mê” Ông Thông là Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và Công trình giao thông, với hơn 30 năm “mê mải kiếm tìm và gìn giữ”, ông đã có một kho cổ vật vô giá với 16.000 hiện vật. Một con số khổng lồ nhiều người mơ ước. Mới đây, một số đại gia nước ngoài đến gạ ông bán một phần ba số cổ vật ông đang trưng bày và trả tới 40 tỷ, nhưng ông lắc đầu. Ông bảo rằng, bán là hết, là mất, chảy máu di sản. Ông tâm sự: “Tiền bạc cũng quý thật, nhưng có những thứ bán đi là mất, rồi bỏ bao nhiêu tiền cũng không mua lại được. Người ta đôi khi bảo tôi hâm, nhưng hiểu ra, họ biết là tôi gìn giữ di sản văn hóa để nhiều người đến chiêm ngưỡng, nghiên cứu. Tôi không dở đâu. Tôi đã vất vả mấy chục năm vì cổ vật, thì quãng đời còn lại tôi sẽ cố gắng để giữ, trưng bày cho mọi người cùng tham quan!”. Hiện nay, Bảo tàng cổ vật Hoàng Long luôn mở cửa miễn phí cho bất cứ ai tới thăm. Để tiện cho khách tham quan, ông Thông đã thuê thêm mấy người tốt nghiệp đại học, có hiểu biết về cổ vật đến trông nom, hướng dẫn cho khách. Khu bảo tàng còn trưng bày chiếc trống đồng kỷ lục được đặt cạnh chiếc chiêng lớn ở sân khuôn viên bảo tàng. Trống có đường kính mặt là 1,51m, đường kính tang trống là 1,55, cao 1,21m, nặng 739kg, được đúc theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ. Đây là chiếc trống ông Thông đặt nghệ nhân Lê Văn Bảy ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Để “oách” như hiện nay, ngoài tốn công sức, ông Thông cũng bị lừa nhiều vì mua phải đồ giả. Thêm nữa, vợ con phản đối kịch liệt. Có đợt nhà nghèo, gần hết cả gạo ăn, bà vợ thấy ông Thông khuân tiền đi vác cổ vật về, thì hét toáng: “Ông định để mẹ con tôi chết đói, còn ông thì đi mang những thứ này về nhà đấy à?”. Sau đó, chính ông phải thuyết phục họ, để họ hiểu ra và thông cảm cho niềm đam mê của mình. Lập bảo tàng cho xã hội Đầu tiên, phải nhắc đến cái duyên của ông Thông đối với cổ vật. Ông vốn làm nghề xây dựng. Khi thi công công trình, đào móng nhà ông thường bắt gặp mảnh bát, đồ gốm cổ. Thấy đẹp, ông rửa sạch giữ lại. Rồi cổ vật như cũng “tìm người mà đến”. Ông Thông bắt đầu mua sách đọc, tìm hiểu về cổ vật và trở nên mê từ lúc nào không hay. Từ đó, mỗi khi gặp được món yêu thích, ông tìm cách mua dù phải vét sạch ví. “Có lẽ, năm 1982 là năm quyết định đến cuộc đời sưu tầm của tôi. Dạo đó, khi thi công một công trình cho Tỉnh đoàn Thanh Hóa, thợ đào móng đào được một số bát đĩa cổ, tôi liền thắp hương cầu khấn và bắt chôn lại. Khi đào tiếp, phát hiện một cái vại đựng nhiều bát đĩa rất đẹp. Tôi trình báo với chính quyền địa phương và xin phép được gìn giữ số cổ vật. Và từ đó tôi nghĩ sâu sắc đến tầm quan trọng của các món đồ cổ trong đời sống văn hóa. Tôi ấp ủ ước mơ lập bảo tàng cho xã hội ngắm”, ông Thông tâm sự. Định là làm. Ông đã trở thành người lao tâm khổ tứ, ăn ngủ cùng cổ vật, ngủ cũng mơ thấy cổ vật và thật sự, ông cũng nhiều phen… phát hoảng. Đó là lần ông cùng công nhân về thi công công trình ở huyện Vĩnh Lộc, được xác định là vùng đất của chúa Trịnh ngày xưa, lúc đào móng công nhân tìm thấy một cái am. Rồi tiếp đó tìm thấy một con rắn có hình trong suốt như pha lê, nhìn thấy cả xương và mạch máu. Đám công nhân sợ quá hỏi ông Thông có nên làm tiếp, ông Thông lại xin chính quyền địa phương cho phép khai quật và gìn giữ. Và lần đó, ông đã đào được ba chiếc trống đồng và nhiều đồ đồng quý. Lần khác, ông đi công tác ở huyện Thạch Thành. Nghe người dân đồn có một ông cụ đào được chiếc bát cổ. Ông Thông vội vàng đến chiêm ngưỡng. Bát để bình thường không sao, khi đưa ra ánh sáng mặt trời, tự nhiên hoa văn nổi lên, màu xanh lam, tuyệt đẹp. Toàn thân ông Thông bỗng lạnh toát. Phải một hồi lâu ông mới lấy lại bình tĩnh rồi mua lại chiếc bát với giá 5 triệu đồng. Sau này, chiếc bát được giám định là một… báu vật. Điều 17, Luật Di sản văn hóa có ghi: “…Khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; Hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể; Đầu tư kinh phí cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, ngăn ngừa nguy cơ làm mai một, thất truyền di sản văn hóa phi vật thể”. Là người sưu tầm, gìn giữ hợp pháp, hội tụ đủ những yếu tố, cuối năm 2006, UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép, ông Thông đã thành lập bảo tàng tư nhân. Nhiều khách trong nước và quốc tế đến thăm, xác định: “Cổ vật đang được trưng bày ở Bảo tàng cổ vật tư nhân Hoàng Long là vô giá. Trong đó, nhiều cổ vật đồ đồng và đồ gốm có niên đại 2500 năm”. Các bộ sưu tập gốm đất nung, có nhiều cổ vật mang giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của nhà Hán, từ thế kỷ I đến III sau công nguyên. Đồ gốm sứ với số lượng lớn của các triều đại phong kiến như Đinh, Lý, Tiền Lê, Trần, Hồ, Hậu Lê, Trịnh… Phải khẳng định, nhiều người sưu tầm, nhưng lại bán, sinh lợi. Còn ông Thông đã khiến người chơi kính nể. Không chỉ chơi có văn hóa, khoa học, mà ông nhắm đến giá trị nhân văn, chỉ gìn giữ chứ không bán. Là người tâm huyết trong việc gìn giữ vốn cổ, di sản dân tộc, ông Thông đã khiến những cổ vật lên tiếng nói của chúng. Đồng thời nhắc nhớ cho thế hệ sau về văn hóa dân tộc mình. Ông sẽ thành công hơn, được học tập, được ca ngợi và nhiều người biết đến, bởi ông vẫn có những dự định mới cho công trình sưu tập và bảo tồn của mình. Ghi chép của Ngô Thục Miên |