Việc Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân được cho là động cơ thúc đẩy sự ra đời của lực lượng đặc nhiệm thuộc Tổng cục tình báo Nga (GRU) với mục tiêu thực hiện các chiến dịch nhằm phá hủy cơ sở hạt nhân của Mỹ.
Đặc nhiệm của GRU ở Crimea Đêm 27/2/2014, một nhóm các binh sĩ được trang bị vũ khí hiện đại đã kiểm soát toàn bộ tòa nhà của Hội đồng Tối cao và Hội đồng Bộ trưởng Crimea. Sang ngày hôm sau, "những người lính lịch sự" này, họ bắt đầu được gọi như thế vì thái độ xử sự đúng mực và lễ độ, đã chiếm lĩnh sân bay Simferopol và phong tỏa sân bay quân sự ở Belbek. Sau đó, người ta thấy họ tại các cảng, cửa khẩu biên giới vào Crimea. Tiếp theo, những người lính này có mặt ở các đơn vị quân đội Ukraine mà họ đã phong tỏa hoặc giành được quyền kiểm soát. Thậm chí một số người trong "những người lính lịch sự" còn có súng trường bắn tỉa giảm thanh 12,7mm được sản xuất cho lực lượng đặc nhiệm của Cơ quan An ninh liên bang (FSB) và đôi khi cũng trang bị cho lực lượng đặc nhiệm quân đội. Họ đều mặc những bộ quân phục dùng cho tất cả các mùa vừa mới cấp cho các đơn vị quân đội Nga vào năm ngoái. Ngày 17/4/2014, Tổng thống Nga V. Putin lần đầu tiên thừa nhận rằng các binh sĩ Nga đã đứng sau các lực lượng tự vệ Crimea để giúp tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 16/3. Vậy, những binh sĩ này thuộc lực lượng nào của Nga? Ngay từ đầu, đa số các chuyên gia đều tin rằng họ là lính đặc nhiệm của Tổng cục Tình báo (GRU), Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga. Bởi lẽ, việc trang bị cho những 'người lính lịch sự" nói trên hoàn toàn tương đương với mức độ của lực lượng đặc nhiệm GRU. Tháng 3/2013, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định thành lập Lực lượng đặc nhiệm (SSO) mới trên cơ sở các đơn vị đặc nhiệm hiện có trong tất cả các lực lượng vũ trang của nước này. SSO sẽ giúp Nga giải quyết những nhiệm vụ đặc biệt trong chiến tranh hay để ngăn chặn chiến tranh, bao gồm cả các nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ nước Nga. Và, lực lượng đặc nhiệm của GRU có mặt tại Crimea vào thời điểm chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân là hợp lý, và có lẽ, đây là một trong những chiến dịch thành công nhất trong lịch sử của họ. Các chiến dịch dưới thời Xô viết Lực lượng đặc nhiệm của GRU được thành lập vào năm 1950. Ban đầu, GRU quyết định thành lập một số đại đội độc lập, mỗi đại đội có 120 người và đến giữa năm 1951 đã có 46 đại đội như vậy. Năm 1962, các đơn vị này đã được hợp nhất thành một lữ đoàn. Năm 1979, Đặc nhiệm GRU đã có 14 lữ đoàn trực thuộc các quân khu và gần 30 đại đội độc lập trực thuộc bộ và tập đoàn quân. Việc Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân được cho là động cơ thúc đẩy sự ra đời của Đặc nhiệm GRU với mục tiêu thực hiện các chiến dịch nhằm phá hủy cơ sở hạt nhân của Mỹ. Và, nhiệm vụ chính thức được giao cho các đơn vị đặc nhiệm lúc đó là phát hiện các đơn vị quân đội đối phương, tiến hành các hoạt động đặc biệt ở hậu phương địch, chống khủng bố và biệt kích… Các đơn vị đặc nhiệm của GRU đã tiến hành chiến dịch lớn đầu tiên ở nước ngoài vào năm 1968, khi các nước thuộc Hiệp ước Warsw quyết định đưa quân đội vào Tiệp Khắc. Nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm GRU là bí mật chiếm sân bay Praha. Đêm 21/8/1968, một chiếc máy bay chở khách của Liên Xô đã yêu cầu được hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Praha với lý do động cơ bị hỏng. Sau khi hạ cánh, lính đặc nhiệm đã nhanh chóng chiếm sân bay và giành được quyền kiểm soát không lưu mà không phải tốn một viên đạn nào. Cũng vào thời gian đó, lính đặc nhiệm GRU, những người đã bí mật đến Praha trước khi bắt đầu chiến dịch mấy ngày, nhanh chóng đánh chiếm trụ sở Bưu điện và nhiều mục tiêu quan trọng khác trong thành phố. Sau hai tiếng rưỡi kể từ khi chiến dịch bắt đầu, các đơn vị lính dù đã bao vây tòa nhà Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, nơi đang diễn ra phiên họp khẩn cấp, và toàn bộ ban lãnh đạo đảng này sau đó đã được đưa về Moskva. Sau đó, lực lượng đặc nhiệm của GRU đã tiến hành hàng chục chiến dịch khác ở nhiều nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh. Thông tin về các chiến dịch của đặc nhiệm Liên Xô vẫn còn được giữ bí mật cho đến tận bây giờ, ngoại trừ một số chi tiết được tiết lộ do tình cờ. Năm 1968, một nhóm đặc nhiệm của GRU gồm 9 người đã xâm nhập vào căn cứ không quân bí mật của Mỹ ở Campuchia. Đây là căn cứ máy bay trực thăng tấn công "Hổ mang chúa" được trang bị các thiết bị dẫn đường mới nhất và tên lửa có điều khiển mà Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô rất quan tâm. Kết quả của chiến dịch kéo dài nửa giờ là một chiếc máy bay trực thăng đã được đưa về Việt Nam, những chiếc còn lại bị phá hủy và 15 lính Mỹ chết và bị thương. Mãi vài năm sau đó, người Mỹ mới biết được rằng lính đặc nhiệm của Liên Xô chính là những người đã tấn công căn cứ không quân của họ. Thắng lợi huy hoàng mà những đơn vị đặc nhiệm Xôviết đã giành được là khi họ tiến hành các chiến dịch có quy mô rộng lớn ở Afghanistan. Chiến dịch đầu tiên của Đơn vị đặc nhiệm 154 của GRU hay thường được gọi là "Tiểu đoàn Hồi giáo" là ở Afghanistan. Họ được gọi như vậy là do việc tuyển chọn người cho đơn vị này rất đặc biệt, các sĩ quan và chiến sĩ được chọn phải là những người gốc Trung Á biết tiếng Farsi (Ba Tư). Trái ngược với các đơn vị đặc nhiệm khác, tiểu đoàn này có 520 người, 50 xe bọc thép, một số pháo phòng không tự hành. Nhiệm vụ chính của đơn vị là thực hiện chiến dịch đặc biệt đầu tiên và nổi tiếng nhất - tấn công lâu đài Taj Beck để loại bỏ Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin. Trước đấy Đặc nhiệm GRU đã cài người vào lực lượng bảo vệ lâu đài. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị đặc nhiệm này là vô hiệu hóa lữ đoàn cảnh vệ, đưa các nhóm đặc nhiệm của Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) vào trong lâu đài và yểm trợ họ bằng hỏa lực khi cuộc tấn công bắt đầu. Chống lại các đơn vị đặc nhiệm Xôviết là gần 1,5 nghìn binh lính Afghanistan: 4 tiểu đoàn của lữ đoàn cảnh vệ và đội vệ sĩ riêng của Hafizullah Amin.Chiến dịch "Shtorm-333" nhằm lật đổ Tổng thống Amin được bắt đầu vào chiều 27/12/1979. Trong thời gian tấn công vào lâu đài và giải giáp lữ đoàn cảnh vệ, đơn vị đặc nhiệm có 6 người thiệt mạng, 35 người bị thương. Sau chiến dịch, đơn vị đã ở lại Kabul đến ngày 8/1/1980, sau đó chuyển về Chirchiq. Cũng tại Afghanistan, Đại đội đặc nhiệm 459 thuộc Tập đoàn quân 40 của Liên Xô được giao nhiệm vụ thực hiện các chiến dịch đặc biệt tại Kabul. Đây là đơn vị đặc nhiệm đầu tiên tham gia chiến đấu liên tục trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan. Chiến dịch mà đại đội này đã thực hiện với hai tiểu đoàn đổ bộ trên vùng biên giới Afghanistan - Iran vào tháng 4/1982 là nổi tiếng nhất. Do lỗi của các máy bay trực thăng, các đơn vị tham gia chiến dịch đã đổ bộ nhầm xuống Iran và tấn công đồn biên phòng nước này. Sau khi nhận ra sai lầm, lực lượng đặc nhiệm phải đi bộ nhiều giờ để đến được khu vực đã định và vẫn hoàn thành nhiệm vụ. Căn cứ Rabat-Jali bị tiêu diệt, đã phá hủy được lượng lớn vũ khí và 1 tấn rưỡi thuốc phiện. Với kinh nghiệm chiến đấu đã thu được, theo mô hình "Tiểu đoàn Hồi giáo", trên lãnh thổ Afghanistan đã thành lập thêm hai lữ đoàn đặc nhiệm độc lập. Lữ đoàn 15 hoạt động ở các tỉnh phía đông, còn Lữ đoàn 22 - phía tây. Để ngụy trang, các lữ đoàn đặc nhiệm hoạt động ở Afghanistan đều có "tiểu đoàn bộ binh cơ giới riêng biệt". Thực tế chứng minh rằng đặc nhiệm là lực lượng thích hợp nhất để chiến đấu ở địa hình rừng núi, sa mạc và không phải ngẫu nhiên mà ở đất nước Hồi giáo này có tới gần 1.400 lính đặc nhiệm của GRU, mỗi ngày có tới 25 nhóm đặc nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Ngoài ra, các đơn vị đặc nhiệm còn được sử dụng để hạn chế các cuộc xung đột sắc tộc. Đơn vị đặc nhiệm 173 đã tham gia giải tán các cuộc bạo loạn ở Bacu, trên lãnh thổ Nagorno-Karabakh và cuộc xung đột Ossetia-Ingush. Các đơn vị đặc nhiệm của GRU thuộc Quân khu Moskva đã hỗ trợ cho Chính phủ Tajikistan giải quyết bạo loạn. Lữ đoàn Đặc nhiệm 12 thuộc Quân khu Bắc Caucasus đã chiến đấu ở Azerbaijan và Tbilisi, sau đó, từ năm 1991, là ở Nagorno-Karabakh và Bắc Ossetia. Các chiến dịch ở Chechnya Đặc nhiệm của GRU Nga là lực lượng tham gia tích cực nhất vào các trận đánh trong hai chiến dịch ở Chechnya. Vào những năm 1994-1996, đã có nhiều đơn vị đặc nhiệm độc lập hỗn hợp hoạt động trong khu vực này. Ở chiến dịch lần thứ nhất, các đơn vị đặc nhiệm GRU được sử dụng như những đơn vị thám báo bình thường của các quân đoàn bộ binh và luôn tham gia vào đội hình tấn công, do vậy đã chịu những tổn thất rất lớn. Mãi đến cuối chiến dịch, lực lượng đặc nhiệm của GRU mới được quay trở lại với các chiến thuật đã được kiểm chứng, trong đó có hoạt động phục kích, nhờ đó, nhiều chỉ huy chiến trường của lực lượng ly khai Chechnya đã bị tiêu diệt. Để tăng cường hỏa lực và tính cơ động khi triển khai các chiến dịch trong cuộc chiến ở Chechnya, các đơn vị đặc nhiệm còn được trang bị bổ sung nhiều loại xe bọc thép. Ngay từ đầu chiến dịch Chechnya lần thứ hai, lực lượng đặc nhiệm đã bắt đầu được sử dụng vào các hoạt động trinh sát. Lữ đoàn đặc nhiệm GRU thuộc Quân khu Bắc Caucasus đã được bổ sung thêm các đơn vị độc lập. Chiến công lớn nhất của lực lượng đặc nhiệm GRU trong chiến dịch Chechnya là phát hiện và loại bỏ được hệ thống phòng thủ Grozny của các tay súng ly khai trước cuộc tấn công vào năm 1999. Sau đó, các nhóm đặc nhiệm của GRU tích cực chuyển sang sử dụng các chiến thuật đã được huấn luyện kỹ lưỡng để điều tra, phục kích và tấn công vào các căn cứ đã xác định được của các tay súng ly khai Chechnya. Với những chiến công xuất sắc ở Chechnya, Lữ đoàn Đặc nhiệm 22 đã được nhận danh hiệu Cận vệ vào tháng 4/2001. Đây là đơn vị đầu tiên kể từ sau Thế chiến II được vinh danh. Do đã hoàn thành xuất sắc chiến dịch sáp nhập Crimea vào Nga, có thể, một đơn vị nữa của lực lượng đặc nhiệm GRU sẽ được nhận danh hiệu cao quý đó. Theo Hoàng Tuấn Những "người lính lịch sự" ở Crimea |