QĐND - Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam dựa vào để chứng minh và khẳng định Việt Nam hoàn toàn có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là nguyên tắc "chiếm hữu thật sự".
Chủ quyền hợp pháp của Việt Nam Việt Nam đã chính thức tuyên bố rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc "chiếm hữu thật sự" đòi hỏi. Công việc thực thi chủ quyền của các Hoàng đế Việt Nam liên tục trong suốt mấy thế kỷ mà không bị một nước nào, kể cả Trung Quốc, phản đối.
Trong khi đó, Trung Quốc không hề có tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa. Cũng cần nhắc lại rằng, tháng 8-1951, Hội nghị Hòa bình Xan Phran-xi-xcô (San Francisco) với sự tham dự của lãnh đạo 51 quốc gia nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đã công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại hội nghị này,Trưởng phái đoàn Việt Nam, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Trần Văn Hữu của Chính phủ Bảo Đại long trọng tuyên bố trước sự hiện diện của đại diện 50 nước khác, trong đó có Trung Quốc, rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, mà không gặp phải sự phản đối nào. Trong khi đó, có tới 48/51 quốc gia tham dự hội nghị đã bác bỏ đề nghị công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy, cái gọi là danh nghĩa “chủ quyền” Trung Quốc đối với các quần đảo ngoài khơi Biển Đông đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ công khai trong khuôn khổ một hội nghị quốc tế. Tháng 7-1954, các bên (trong đó có Trung Quốc) tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã ký kết Hiệp nghị Giơ-ne-vơ công nhận và tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, Pháp đã rút các lực lượng khỏi Việt Nam vào năm 1956. Sau khi Pháp rút, Việt Nam Cộng hòa đã phục hồi việc thực thi chủ quyền, quản lý đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có nhiều hành động và đưa ra một số tuyên bố để khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo này. Gần 20 năm sau, ngày 27-1-1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại thủ đô nước Pháp. Một lần nữa, các nước trên thế giới lại khẳng định bằng văn bản sự tôn trọng đối với độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Điều 1 của Hiệp định Pa-ri ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Một tháng sau, ngày 2-3-1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam được triệu tập tại Pa-ri gồm đại biểu của 12 nước, với sự có mặt của Tổng thư ký Liên hợp quốc. Tất cả các nước tham dự hội nghị đã ký vào bản Định ước công nhận về mặt pháp lý quốc tế Hiệp định Pa-ri về Việt Nam và bảo đảm cho hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh. Nói cách khác, các nước trên thế giới đều công nhận chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trung Quốc không có chứng cứ pháp lý Trong khi đó, nhìn lại quá trình “thụ đắc lãnh thổ” của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa sẽ thấy rằng, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm lãnh thổ Việt Nam. Năm 1956, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm khu vực phía Đông và tháng 1-1974, chiếm nốt khu vực phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chưa hết, tháng 3-1988, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma do Việt Nam quản lý. Những hành động đó vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Theo luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 ngày 24-10-1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc nêu rõ: "Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”. Bên cạnh đó, mặc dù Hoàng Sa bị chiếm từ năm 1974 nhưng Việt Nam tiếp tục khẳng định và chưa bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam luôn phản đối các hoạt động phi pháp cũng như yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa, Trường Sa. Như vậy, nguyên tắc "chiếm hữu thật sự" hợp lý và chặt chẽ nên các luật gia và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng nguyên tắc này để giải quyết các tranh chấp chủ quyền giữa các nước. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng, phù hợp với nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”, được các hội nghị quốc tế có liên quan thừa nhận. Văn kiện của các hội nghị quốc tế nêu trên chính là một trong những nguồn quan trọng của công pháp quốc tế hiện đại. PGS, TS NGUYỄN HỒNG QUÂN |