[Xã hội] -Vượt qua sợ hãi

QĐND - Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tỉnh Lâm Đồng là một trong những chiến trường trọng điểm, nên số lượng bom đạn sót lại sau chiến tranh khá lớn. Để thực hiện tốt công tác dò gỡ bom, mìn, những năm qua, lực lượng Công binh địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như: Chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, đặc biệt là huấn luyện chuyên ngành; thường xuyên tổ chức luyện tập, hội thao nhằm nâng cao bản lĩnh, kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ; quá trình dò gỡ, xử lý bom, mìn luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn. “Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối không chủ quan với “thần chết”. Quá trình làm việc phải thận trọng và chính xác. Nếu để xảy ra mất an toàn sẽ không còn cơ hội để sửa sai”. Đại úy Ngô Trung Kiên, Đại đội trưởng Đại đội Công binh thuộc Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng nói.


Chiến sĩ Đại đội Công binh thuộc Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng dò gỡ mìn.

Dò gỡ, xử lý các loại bom, mìn là công việc nguy hiểm, bên cạnh kỹ năng và kinh nghiệm, người làm công việc này cũng phải có bản lĩnh vững vàng. Theo Đại úy Ngô Trung Kiên, khi mới tiếp xúc với bom, mìn, hầu hết các chiến sĩ đều căng thẳng. Để giải tỏa tâm lý cho chiến sĩ, cán bộ phải giải thích cho bộ đội hiểu mục đích, ý nghĩa của công việc; tính năng, tác dụng cũng như cách xử lý từng loại bom, mìn, vật nổ; giáo dục để anh em hiểu các loại bom, mìn đều có cách vô hiệu hóa và nếu thực hiện đúng các thao tác thì sẽ không xảy ra mất an toàn. Khi tiến hành dò gỡ, cán bộ đảm nhiệm thực hiện những phần nguy hiểm, phức tạp. Khi chiến sĩ thực hiện, cán bộ phải động viên, hướng dẫn chu đáo, tỉ mỉ. Nhờ đó, đơn vị đã cùng cơ quan chức năng hoàn thành tốt các đợt dò gỡ bom, mìn. Điển hình như vụ dò gỡ, xử lý hầm vũ khí hơn 1,2 tấn tại TP Bảo Lộc vào tháng 10-2012, xử lý một quả bom nặng gần 500kg ở huyện Cát Tiên và một quả bom hóa học nặng gần 100kg ở huyện Đạ Tẻh…

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG