Một loạt chợ trên địa bàn Thanh Hóa rất khang trang, trong đó có những chợ địa phương đầu tư cả chục tỉ đồng, nhưng lại bị tiểu thương chê, hoạt động cầm chừng, thậm chí bị bỏ hoang trong khi chợ cóc, chợ tạm lại buôn bán tấp nập.
Các chợ bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả, theo khảo sát của người viết và xác nhận của Sở Công thương Thanh Hóa, xuất hiện trên diện rộng, ở cả khu vực nông thôn, đô thị lẫn miền núi. Trong đó, chợ Già mới (xã Hoằng Kim, H.Hoằng Hóa) được xây dựng trên diện tích 5.155 m2 với tổng kinh phí đầu tư lên tới trên 14 tỉ đồng, hoàn thành vào tháng 10.2012, nhưng vẫn cửa đóng then cài từ đó đến đến nay. Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Hoằng Kim cho biết, chợ Già cũ xây dựng cách đây hàng chục năm, đã xuống cấp nghiêm trọng. Chợ Già mới được xây dựng với cơ sở vật chất tốt, ki ốt khang trang, lại gần quốc lộ nên có nhiều thuận lợi để bà con kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chợ Già mới bị bỏ hoang kéo dài xuất phát từ mâu thuẫn giữa nhu cầu của người dân và mong muốn thu hồi vốn của chủ đầu tư, Công ty CP đầu tư xây dựng Việt Hưng. Bà Nguyễn Thị Hoa, một tiểu thương đã gắn bó hơn 30 năm với chợ Già cũ, cho biết: “Khi chợ Già mới được xây xong, chúng tôi tranh nhau nộp tiền đặt cọc để thầu các gian hàng. Chủ đầu tư thấy nhiều người đăng ký nên nâng phí đặt cọc lên gấp 2 lần. Mức phí của mỗi hộ kinh doanh tại chợ cũ chỉ 25.000 đồng/tháng trong khi mức phí ở chợ mới lên tới 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Sau khi bàn đi tính lại, hơn 200 tiểu thương đã ồ ạt tới rút tiền đặt cọc về, góp tiền đầu tư sửa sang nền móng và nâng cấp mái tôn chợ Già cũ để tiếp tục kinh doanh”. Chợ Voi (xã Quảng Thịnh, TP.Thanh Hóa) tọa lạc trên diện tích 10.000 m2, có mức đầu tư 6 tỉ đồng, gồm khu nhà trung tâm khang trang, hệ thống tường bao quanh kiên cố..., được khánh thành từ năm 2011. Hiện chợ này cũng đang bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, cách chợ Voi không xa lại xuất hiện những chợ cóc tập trung buôn bán dưới lòng đường, vỉa hè, gây cản trở cho người tham gia giao thông. Tương tự, chợ Quảng Thạch (xã Quảng Thạch, H.Quảng Xương) được xây dựng khang trang với kinh phí 1,6 tỉ đồng. Cuối 2009, chợ được đưa vào sử dụng, nhưng chỉ sau một tháng buôn bán èo uột, các tiểu thương đành phải quay về chợ tạm ven đường bán buôn. Tiểu thương Nguyễn Thị Hằng (thôn Đông, xã Quảng Thạch) than thở: “Ban đầu còn có lèo tèo vài người đi chợ. Sau đó thì chẳng có ai vào mua nữa. Buôn bán ế ẩm, thậm chí chúng tôi còn lỗ nặng. Giờ mà vào đó họp chợ thì chúng tôi bán cho ai?” Theo ông Nguyễn Phương Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thạch, chợ mới hoạt động không hiệu quả là khâu khảo sát địa điểm xây chợ chưa tốt, đặt chợ ở nơi không phù hợp. Ông Nguyễn Đình Trường, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Thanh Hóa cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn đến các chợ bị bỏ hoang là do sự yếu kém trong khâu quản lý, rà soát và đánh giá hiệu quả của các công trình. Việc quy hoạch và xây dựng một số chợ không gắn với tập quán, thói quen tiêu dùng và điều kiện thực tế của địa phương. Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ trên địa bàn để có hướng xử lý, khắc phục hậu quả và hạn chế lãng phí. “Chúng tôi đã yêu cầu UBND các huyện, các xã có chợ bị bỏ hoang, hoạt động kém hiệu quả tìm giải pháp vận động các hộ tiểu thương “cưới chợ”, đồng thời xóa bỏ các tụ điểm kinh doanh tự phát”, ông Trường nói. Nhật Linh |