[Sức khỏe ] -Kiệt sức vì gia đình nợ nần và nghèo khó

VOV.VN - Có lúc chán nản, tôi đã muốn kết thúc cuộc đời khổ cực, vất vả của mình nhưng vì thương vợ, thương con, tôi lại tỉnh ra và chưa làm gì dại dột.

Tôi năm nay 37 tuổi, là con thứ tư trong gia đình có 7 anh chị em. Khi học xong lớp 9 trường làng, vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi nghỉ học để giúp bố mẹ làm việc nhà.

Năm 18 tuổi, tôi tham gia nghĩa vụ quân sự. Ở trong quân ngũ, tôi luôn chấp hành nghiêm chỉnh quân pháp, luôn được tín nhiệm cao. Thủ trưởng luôn tin tưởng và cử tôi đi học lái xe để phục vụ đơn vị. Hết thời gian nghĩa vụ quân sự, tôi trở về địa phương. Có nghề trong tay, tôi đi làm lái xe. Tôi biết nghề lái xe khá nguy hiểm, nhiều bất trắc nhưng nếu không theo nghề, tôi chẳng biết làm gì để kiếm sống. Nói chung, cuộc sống của tôi khá ổn định.

Nhưng cách đây 9 năm, khi tôi đang chạy xe thì gặp tai nạn. Xét ra, lỗi tại tôi cũng khá nặng. Bao nhiêu tiền của tích góp của tôi bấy lâu nay đều phải lo chạy đám và lo cho nạn nhân hết. Thế là tôi trắng tay. Tôi định bỏ nghề nhưng khi không có vốn liếng, không có nghề nào khác, tôi chẳng thể làm gì được. Tôi lại phải ôm vô-lăng để kiếm sống.


Ảnh minh họa

Cách đây 5 năm, tôi đã quyết định bỏ nghề lái xe để về địa phương lập nghiệp và lập gia đình. Vợ chồng tôi đã bàn với nhau, dồn hết vốn liếng tích góp được và vay mượn thêm để đầu tư lưới đánh bắt cá. Thời gian đầu cũng có thu nhập, nhưng chưa thấm vào đâu so với số tiền nợ nần để đầu tư. Chắc tại số tôi đen đủi mà vài tháng sau, bao nhiêu lưới của vợ chồng tôi thả ở ngoài Thanh Hóa bị mất hết. Chúng tôi không chỉ trắng tay mà còn gánh thêm nợ nần. Không bỏ cuộc, vợ chồng tôi lại bàn nhau đầu tư làm đầm nuôi tôm. Việc làm ăn của chúng tôi thời kì đầu lại vướng món nợ nần trước đó nên kinh tế vẫn còn khó khăn.

Sau đó, vợ chồng tôi vui mừng khi có được một thằng cu kháu khỉnh, khỏe mạnh. Cháu là niềm an ủi lớn của vợ chồng tôi để vượt qua khó khăn. Khi con tôi được 1 tuổi, cháu bị ốm nặng, phải nằm viện. Vợ chồng tôi thậm chí phải bán cả đôi nhẫn cưới để có tiền lo thuốc thang cho con. Suốt gần 1 tháng cháu nằm viện, vợ chồng tôi ăn bữa trưa đã phải lo cho bữa tối. Thế rồi cũng đến ngày con tôi khỏi bệnh và được ra viện. Về nhà, chúng tôi lại phải tiếp tục bươn trải kiếm sống. Cuộc sống khó khăn vẫn chưa buông tha cho gia đình tôi.

Cách đây 2 năm, cơn bão số 8 đã ập đến vùng biển của chúng tôi. Bao nhiêu tiền nhà tôi đầu tư cũng bị bão đánh tan hết. Cơn bão ấy đã lấy đi của tôi tất cả, một lần nữa khiến chúng tôi trắng tay. Tôi đã phải bán căn nhà nhỏ của chúng tôi để trả phần nào món nợ. Vợ chồng, con cái giờ phải ở bên nhà ngoại, nay đây mai đó. Giờ gia đình tôi chỉ còn con cái và một món nợ 700 triệu đồng.

Đến bây giờ, thực sự chúng tôi không còn khả năng trả nợ được nữa, mà những chủ nợ vẫn tìm gặp chúng tôi để đòi. Có người còn thuê cả đầu gấu đến để dằn mặt chúng tôi. Vợ tôi vì lo nghĩ nên ốm đau. Thậm chí, tôi chẳng có tiền để mua thuốc cho vợ và mua sữa cho con nữa. Có lúc tôi đã nghĩ hay là gửi con cho người nhà, rồi hai vợ chồng đi thật xa để trốn nợ và tìm cách làm ăn. Nhưng tôi không dám làm như vậy vì sợ mang tiếng là quỵt nợ và chắc sẽ phải chịu cảnh tù tội.

Hàng ngày, nhìn con trai cứ vô tư, nghịch ngợm, tôi lại đau lòng khi nghĩ tới tương lai. Năm sau con tôi học lớp 1, tôi biết lo cho con thế nào đây? Vợ chồng tôi cũng muốn sinh thêm đứa nữa cho nó có anh có em nhưng lại không dám. Vì đến tiền ăn hàng ngày còn chẳng có, một đứa con lo còn chẳng xong, chẳng biết bao giờ trả hết nợ nần, làm sao dám sinh thêm đứa nữa.

Nghe câu chuyện tại đây

Có lúc nhìn con ốm đau, chủ nợ gọi điện tìm đến đòi ép trả cho hết, trong túi không có một xu, tôi thấy bế tắc và tuyệt vọng vô cùng. Có lúc chán nản, tôi đã nghĩ dại, muốn kết thúc cuộc đời khổ cực, vất vả của mình cho xong. Nhưng tôi lại thương vợ, thương con mà tỉnh ra và chưa làm gì dại dột.

Tôi chẳng biết phải làm sao, phải tìm cho mình hướng đi như thế nào để có thể vượt qua cơn sóng gió này đây? Tôi đã kiệt sức và không chống đỡ nổi cơn phong ba của cuộc đời./.