[Văn hóa] -Trung thu

PN - Tuổi thơ của tôi có những buổi chiều cùng anh Hai chôn chân ở bàn học, rồi thòm thèm nhìn ra bao nhiêu trò vui của đám bạn hàng xóm. Thường tới lúc tôi ham vui quá mà tông cửa chạy ra, thì anh Hai lại nhìn tôi với vẻ cam chịu: “Thôi, số mình nó vầy rồi”. Không biết anh Hai học ở đâu ra câu ấy, nhưng lời an ủi quá hay. Những ngày tháng kia cứ êm đềm như vậy cho đến một mùa trung thu, cả hai anh em cùng liều mình… chống lại “số phận”.


Trung thu năm ấy, khi đám bạn hàng xóm tối nào cũng kéo nhau từng đoàn đi chơi lân, thì hai anh em tôi quanh quẩn với trò dán lồng đèn cũ rích. Trầy trật mãi với mấy tờ giấy màu, mấy cây tăm tre, chai hồ dán, đèn cầy và một lon bia; anh Hai cũng dán xong một cái… hơi giống lồng đèn. Đợi đến khi đoàn lân huyên náo đi qua, tới lượt “đám bạn lồng đèn” (anh Hai gọi vậy để phân biệt với “tụi bạn lân”) ngang qua ngõ, vừa đi vừa hát, anh Hai vội kéo tay tôi chạy theo. Nhưng cái lồng đèn… dỏm hễ ra gió là tắt phụt, cả buổi đi chơi phải lụi cụi quẹt hết hộp diêm. Tôi mất hứng, càm ràm anh Hai mấy câu rồi chạy qua bắt cặp với con Na, nó có cái lồng đèn bằng điện biết hát, bỏ mặc anh Hai ngơ ngác ngồi lại với cái lồng đèn tắt.

Hôm sau, anh Hai nhờ ba làm cho cái lồng đèn tốt hơn. “Thù dai”, tối đó anh Hai chơi một mình, không kéo tôi theo. Còn lại giữa sân nhà, nhìn ánh trăng vành vạnh đêm rằm, tôi chợt nổi lòng… can đảm, vụt chạy theo tiếng trống múa lân đang thúc giục ở cuối xóm. Vừa dò dẫm lại gần, tôi đã được mấy thằng con trai hào hiệp kéo vô nhập bọn, giao cho một cây đuốc, rồi còn rỉ tai nhắc tôi cứ đứng chờ để được phá cỗ. Tôi đang mừng thì anh Hai đã ở đâu chạy tới, chìa cái lồng đèn ra, lạnh lùng: “Con gái phải cầm cái này nè!”, rồi giật lấy cây đuốc trên tay tôi, kéo tôi len vào đám trẻ con phía trước. Đêm đó, đoàn lân đứng xếp thành vòng tròn, ở giữa là một mâm cỗ đầy, vô số bánh kẹo.



Anh Bưởi - thủ lĩnh đoàn lân đọc to bản tổng kết một mùa lân “bội thu”, rồi bày trò… đốt lân “giải nghệ”. Anh đứng giữa vòng tròn, làm các “nghi lễ” huyền bí khó hiểu, rồi châm lửa đốt con lân. Anh còn cẩn thận dặn tụi tôi lúc lửa bùng lên phải xúm lại… vĩnh biệt lân, đứa nào cũng phải giả đò khóc, vừa khóc vừa kêu lân ơi, lân ơi. Thế là cả bọn xúm lại giả đò la khóc om sòm, ôm nhau "thương tiếc" lân. Phải tội, tôi là đứa mít ướt, khóc giả riết rồi tôi thấy thương con lân chết cháy, chuyển sang khóc thiệt, lây qua con Tí, con Na, rồi cả đám nước mắt nước mũi tèm lem. Tụi con trai im bặt, tròn mắt nhìn.

Lân cháy hết, lửa tắt, chỉ còn lại ánh trăng mát mẻ dịu dàng soi sáng cả bãi đất trống. Tôi nhân cơ hội chạy biến về nhà. Chui vào phòng, tôi cứ dằn vặt giữa sự xấu hổ và tiếng reo hò đang vọng lại từ đám bạn đang vui liên hoan, rồi… ngủ quên. Sáng hôm sau, tôi vừa thức dậy, anh Hai đã ngồi dưới giường như đã chờ sẵn cả đêm qua. Anh chậc lưỡi, nói với một giọng điệu không biết là an ủi hay khoe khoang: “Tối qua vui lắm mà chẳng thấy Út đâu. Thôi, ráng chờ… sang năm nhé”.

Duy Xuyên