Phải nhắc lại rằng đây là dự án có quy mô cực lớn, khối lượng công việc khổng lồ và ôm trong mình đầy đủ những khó khăn điển hình của các dự án hạ tầng giao thông thường gặp như vốn, giải phóng mặt bằng, bất lợi về thời tiết... Thậm chí còn có những vướng mắc riêng như chuyện bảo kê cung cấp vật liệu xây dựng, cạnh tranh bao thầu chuyên chở... Tuy nhiên, kết quả đạt được của dự án như trên đã tạo ra bất ngờ. Câu hỏi đặt ra là, tại sao và có gì khác biệt ở dự án này? Câu trả lời là công việc, khó khăn, vướng mắc không có gì khác biệt. Nếu có, chỉ là vướng mắc nhiều hơn, khó khăn lớn hơn và vấn đề phức tạp hơn bởi dự án dài tới 1.500 km, kéo qua 22 tỉnh, thành với những đặc thù văn hóa, kinh tế khác nhau. Thực tế nơi này, nơi kia cũng có chuyện người dân bức xúc, phản đối, không chịu di dời... như đã từng xảy ở nhiều dự án khác. Nhưng điều khác biệt chính là cách thức thực hiện. Ở dự án này, chuyện đích thân Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho tới bí thư, chủ tịch các địa phương trực tiếp xuống tìm hiểu, nói chuyện để thấu hiểu tâm tư, suy nghĩ, để giải thích, tháo gỡ và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Khác biệt là từ lúc khởi công và trong suốt quá trình thi công, ở tất cả các địa bàn, xuyên suốt các khâu, đoạn, trên tất cả các công trường lúc nào cũng "nóng" như lửa sự quyết liệt từ cấp trung ương tới địa phương trong đôn đốc tiến độ, giải quyết tại chỗ những vướng mắc, khen thưởng, nhắc nhở hay kỷ luật... Sự đồng lòng, quyết tâm và cách thức tiếp cận này thực sự đã "được lòng dân" và một khối lượng công việc khổng lồ đã được giải quyết trong một thời gian ngắn, giải tỏa 84.000 hộ dân mà không có cưỡng chế. Chúng ta đều biết, giải phóng mặt bằng là khâu khó nhất, quan trọng nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ của dự án. Nên đây là minh chứng điển hình nhất cho câu “Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Một khi dân đã đồng thuận, cùng hướng về một mục tiêu thì dù việc khó đến mấy cũng sẽ thành công. Dân đã ủng hộ, vấn đề còn lại là chuyện của các nhà thầu, các đơn vị thi công, các nhà cung cấp, các bộ, ngành có thẩm quyền liên quan tiếp tục nóng, tiếp tục quyết liệt đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dự án. Từ câu chuyện của dự án nâng cấp, mở rộng QL1 có thể khẳng định, bất cứ việc gì, nếu có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự quyết liệt từ ý chí tới thực hiện, tất cả cùng hướng về lợi ích chung thì không có gì là không thể làm được. Còn nhớ khi Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, thời gian làm thủ tục thuế của VN cao gấp 5 lần các nước trong khu vực, ảnh hưởng lớn đến lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước, rất nhiều người, nhiều đơn vị vẫn cho rằng, "đùng" một cái giảm từ 870 giờ xuống mức chung của khu vực là 170 giờ/năm là điều không thể thực hiện được trong thời gian ngắn. Thế nhưng khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, giảm 50% thủ tục thuế, hải quan, bảo hiểm, xây dựng... ngay trong năm 2014 và giảm bằng mức trung bình của khu vực trong năm 2015 thế là hàng loạt các quy trình thừa, giấy phép con, những khâu - đoạn mọc thêm từ đòi hỏi của cán bộ, công nhân viên trong các ngành này được liệt kê và cắt bỏ. Công cuộc cải cách hành chính này được đánh giá sẽ tạo đột phá, tiết kiệm hàng trăm tỉ USD cho nền kinh tế và quan trọng hơn, nó mang lại hình ảnh mới cho môi trường kinh doanh, tạo dựng lòng tin cho người dân, doanh nghiệp trong và nước ngoài bỏ vốn làm ăn. Từ câu chuyện của QL1, nhìn lại những nút thắt của nền kinh tế sau nhiều năm khó khăn vì khủng hoảng như nợ xấu, sự teo tóp của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ; cuộc đại phẫu doanh nghiệp nhà nước; tỷ lệ nợ công vẫn gia tăng; xem xét lại các chính sách ưu đãi vốn ngoại để không chèn lấn doanh nghiệp nội; vấn nạn xe quá tải; tệ tham nhũng và lãng phí... phải khẳng định để giải quyết nó là hết sức khó khăn nhưng không phải là không làm được. Cũng như dự án QL1 và công cuộc đại phẫu thủ tục hành chính nói trên, nếu chúng ta thực sự muốn làm và quyết liệt làm, những nút thắt này chắc chắn sẽ được tháo. Nguyên Khanh
|