(HNM) - Bản Hát Hẹ, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có 77 hộ dân với gần 247 nhân khẩu, chủ yếu là người Kinh quê ở Thái Bình lên xây dựng vùng kinh tế mới từ năm 1986. Cuộc sống nơi đây còn thiếu thốn trăm bề, nhưng những người con của Quê hương năm tấn vẫn tràn đầy hy vọng chờ một ngày mai tươi sáng hơn.
Trước những năm 90 của thế kỷ trước, bản Hát Hẹ thuộc 2 đội sản xuất của HTX Hưng Biên 2, sau gộp lại thành bản Hát Hẹ. Cuộc sống của người dân nơi đây thực sự rất "chậm", đến mức người ta có thể ngồi đếm được cả quỹ thời gian của một ngày, một tháng, một năm... và nhiều năm. Thậm chí cả một đời người không biết làm gì ngoài 300m2 đất bãi/1 lao động chính được chia từ năm 2000. Diện tích ấy để trồng ngô 2 vụ, mỗi vụ cho thu hoạch 2 tấn ngô cả lõi. Chừng ấy là nguồn lương thực duy nhất để duy trì cuộc sống. Bản Hát Hẹ không nghề phụ, không ruộng cấy và có đến 49/77 hộ được "công nhận" nghèo và cận nghèo và người dân Hát Hẹ phải tìm cách mưu sinh bằng những công việc làm thuê theo thời vụ.
Anh Nguyễn Văn Chính, Trưởng bản Hát Hẹ và nhiều người dân trong bản lâu nay đã thấp thỏm mong đợi được trở thành nông dân "chính hiệu". Ước mơ của dân bản là có đất để canh tác và tăng gia sản xuất như bao người nông dân khác trên khắp đất nước. Bản Hát Hẹ mong được nhận 30ha đất khai hoang mới khu Ta Lét và Pá Ngam I để làm ruộng cấy lúa nước. Nhưng niềm ước mơ ấy biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực. Người hàng xóm của anh Chính tên là Hải đã nhiều lần cắt ngang câu chuyện của chúng tôi vẻ sốt ruột để hỏi thăm về diện tích đất khai hoang khu Ta Lét và Pá Ngam I; xem trong tương lai dân bản Hát Hẹ có ruộng để cấy lúa hay không. Trưởng bản Chính nén tiếng thở dài trả lời rất nhỏ nhưng đủ để chúng tôi nghe: "Hết hy vọng rồi chú ạ! Đất khu ấy bản mình không lấy được. Đành vậy chứ biết làm sao...". Hai người đàn ông trong căn nhà vách đất lặng lẽ ngồi bên nhau, ánh mắt họ chùng xuống, thoáng buồn. Anh Hải buông tiếng thở dài: Mong muốn được làm người nông dân chính hiệu thôi mà khó quá! Điều mà bấy lâu dân bản Hát Hẹ mong đợi đã không thể thành hiện thực, bởi khu đất ấy, người ta đã dùng để đổi đất xây dựng Nhà máy Giấy Núa Ngam (khu đất xây dựng nhà máy là quỹ đất của nông dân bản khác). Nhà máy hoạt động được vài năm rồi chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên. Lợi ích của nhà máy chưa thấy đâu, chỉ thấy người dân bản Hát Hẹ không có đất để cuốc cày. Chỉ có những người yêu đất, gắn bó với đất, bởi đất nuôi sống họ thì mới thấu hiểu được nỗi buồn của nhà nông không có tư liệu sản xuất. Thế nhưng người dân Hát Hẹ cũng phải xoay đủ kiểu để tìm kế sinh nhai. Đàn ông trong bản quanh năm bươn bả đi làm thợ xây, thợ mộc, thợ xẻ...; còn phụ nữ thì cấy thuê, gặt mướn. Số ít ở nhà chăn nuôi, nhưng chăn nuôi thời buổi này cũng phải có vốn mà đồng vốn thì đâu dễ đến với người nghèo. Trẻ con độ tuổi mầm non thì được học ngay tại lớp học tạm của bản, còn những đứa trẻ ở lứa tuổi tiểu học, cha mẹ chúng phải ngày hai buổi đưa đi đón về vì trường cách nhà ngót 7 cây số. Trưởng bản Nguyễn Văn Chính rót nước mời tôi, anh nói như để phân trần cho cái sự nghèo của 77 hộ người Kinh ở Núa Ngam: Chúng tôi cũng xấu hổ lắm, tiếng là người Kinh giỏi làm ăn mà nghèo hơn cả dân bản địa. Nhà báo thấy đấy! Chúng tôi ở đây chẳng có gì ngoài 300m đất bãi để trồng ngô 2 vụ; không ruộng; không nương, buôn bán thì cũng phải có vốn; vay ngân hàng không có tài sản gì đáng giá thế chấp thì ai cho vay, đành đi làm thuê tứ vụ. Anh thanh niên tên Hải ban nãy đâu phải lười biếng gì, nghe đâu đi làm thuê cho người ta, gặp phải mấy doanh nghiệp bị vỡ nợ, mấy vụ chẳng mang về được đồng nào. Nông dân không có ruộng thì làm gì để sống? Đâu phải chúng tôi bê trễ làm ăn. Quỹ đất của huyện không còn để mà chia. Đành chịu thiệt thòi vậy thôi! Biết bao người dân từ quê lúa Thái Bình lên khai hoang Điện Biên chưa một lần về thăm lại cố hương. Bà Nguyễn Thị Toán, bản Hát Hẹ là cựu thanh niên xung phong, lăn lộn trên tuyến đường Nghĩa Lộ đến năm 1974 rồi ở lại Điện Biên xây dựng kinh tế mới, ngậm ngùi nói: Từ ngày lên Điện Biên đến nay tôi mới được về quê duy nhất một lần cách đây 5 năm vào dịp sang cát cho mẹ tôi ở Thái Bình. Nhiều khi cũng muốn về quê thăm chị, thăm em nhưng không có tiền. Ở cái bản Hát Hẹ xa xôi này chẳng riêng gì bà Toán mà còn rất nhiều người Thái Bình cũng nhớ quê da diết nhưng chẳng có tiền về thăm cố hương vì đói nghèo đeo bám họ mãi không buông. Tưởng rằng khi tìm đến vùng quê mới sẽ có cuộc sống ổn định. Thôi thì không giàu sang cũng nở mày nở mặt, ai dè… Đã bao nhiêu năm, người dân bản Hát Hẹ ước mơ một mái trường có cô giáo về dạy chữ. Bao năm qua, đám trẻ trong bản vẫn phải cuốc bộ gần 7 cây số để học nhờ bản khác. Năm học 2013 - 2014 là niên khóa đầu tiên trong rất nhiều năm qua bản đón cô giáo và có lớp học mầm non, vách đất mái lợp tấm prô, nền đất hễ mưa là nước ở tà luy dội xuống tràn vào. Nhưng dẫu là lớp học tạm thì người dân bản Hát Hẹ cũng đã vui lắm rồi vì con cháu họ đã có ngôi trường để học. Họ mong sao có thêm ngôi trường tiểu học để người lớn không phải cắt cử nhau lai đi chở về, dành quỹ thời gian đi làm thuê kiếm miếng cơm manh áo. Dẫu còn vất vả, nhưng người bản Hát Hẹ vẫn đoàn kết một lòng yêu thương gắn kết tình làng nghĩa xóm. Hôm gia đình ông Chuẩn, bà Toán được một tờ báo trung ương hỗ trợ làm một ngôi nhà cấp 4, hai gian. Cả bản vui mừng giúp công, giúp sức, tôi cũng có mặt chia vui cùng bà con. Bữa ấy, cụ già tên là Phan Văn Phác tuổi đã gần 80, hiện đang sống một mình (cũng ở bản Hát Hẹ, là cựu thanh niên xung phong phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng không được hưởng chế độ do cụ bị mất hết giấy tờ) giọng buồn rầu nói với anh Nguyễn Văn Đóa, Chủ tịch UBND xã Núa Ngam: "Anh Đóa! Ông bắt đền anh đấy! Tại sao anh không giới thiệu người ta làm nhà cho ông? Ông đã chịu nhiều thiệt thòi, nay anh lại quên ông…"- Rồi ông bật khóc, trở bước ra về. Để lại tôi và anh chủ tịch xã đứng lặng câm như trời trồng. Tấm lưng còng của ông cụ nom như một dấu chấm hỏi khổng lồ. Chúng tôi lặng lẽ đứng bên nhau, ánh mắt dõi theo ông cụ, trái tim tôi như có đá nặng đè vào và chợt thấy sống mũi cay cay. Ở Hát Hẹ còn biết bao ngôi nhà khác tạm bợ gió vẫn lùa vào sau mỗi đêm đông, có biết bao mảnh đời đang cần tới sự giúp đỡ của những trái tim nhân hậu, những tấm lòng sẻ chia. Họ vẫn đợi chờ, mong đợi một ngày mai nắng ấm... Tôi rời Hát Hẹ ngoái lại nhìn trong khoảnh khắc mờ ảo sương lam, những ngôi nhà lúp xúp sau những rặng tre, bỗng thấy lòng chùng xuống biết chừng nào. |