QĐND - Hiện nay, tỷ lệ nhiễm giun ở cộng đồng dân cư đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam tương đối cao. Nhiễm giun không chỉ làm cho trẻ chậm lớn mà còn làm cho trẻ giảm chỉ số thông minh. Nhiễm giun cũng có nguy cơ gây một số bệnh như giun chui đường mật, tắc ruột. Với người lớn, nhiễm giun còn có thể bị chứng di tinh, viêm âm đạo…
Theo chuyên gia Viện Sốt rét Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, tình trạng môi trường sống ô nhiễm cùng với vốn kiến thức thực hành vệ sinh cá nhân đúng cách còn hạn chế khiến tình trạng người dân nhiễm giun vẫn còn cao. Để phòng ngừa nhiễm giun và tái nhiễm giun cần thực hiện các bước cơ bản nhưng hết sức cần thiết như tẩy giun định kỳ cho cả gia đình 2 lần/năm. Có rất nhiều loại thuốc tẩy giun, tùy cơ chế tác dụng trên từng loại giun sán, từng giai đoạn trưởng thành của chúng. Do đó, trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, cần rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, mỗi khi tay bị bẩn, trước và sau khi chăm sóc người bệnh, trước và sau khi cho người khác ăn…; các loại hoa quả phải được rửa sạch trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn các loại thức ăn chưa nấu chín như: Gỏi cá, tiết canh, bò tái...; không nên ăn sống các loại rau thủy sinh như: Rau cần, cải xoong...; không uống nước chưa đun sôi; cần cắt móng tay thường xuyên, mang giày, dép khi ra ngoài đất, không ngồi lê trên đất. Đối với bà con nông dân khi tiếp xúc với phân bón, bùn lầy cần mang ủng, bảo hộ lao động. Nếu nghi ngờ có mầm bệnh cần luộc sôi đồ dùng gia đình như: Chăn, màn, gối... vệ sinh sạch sẽ đồ chơi trẻ em… HỒNG SƠN |