Hôm qua 20.8 là ngày đầu tiên các trường ĐH, CĐ trong cả nước nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh theo quy định. Ghi nhận từ các trường, rất đông thí sinh nộp hồ sơ trong ngày đầu.
Có trường nhận trên 1.000 hồ sơ Từ sáng sớm, thí sinh (TS) đến Trường ĐH Nông lâm TP.HCM khá đông. Trường bố trí TS xếp hàng theo thứ tự để nộp hồ sơ. Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, trường đã nhận được 335 hồ sơ chỉ trong ngày đầu tiên. Ngày đầu tiên, Trường ĐH Hoa Sen nhận được khoảng 700 hồ sơ, tương đương năm 2013. Trường ĐH Sài Gòn nhận được 1.280 hồ sơ trong khi chỉ tiêu cả ĐH, CĐ là 875. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM 200 hồ sơ bậc CĐ và 230 bậc ĐH. Trong đó, hồ sơ tập trung vào các ngành thực phẩm, sinh học. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có khá đông TS đến đăng ký xét tuyển. Ngoài việc nhận hồ sơ xét tuyển, trường cũng thông báo rộng rãi việc nhận hồ sơ đăng ký học chương trình đào tạo CĐ quốc tế SIAST (Canada) và nhận được một số hồ sơ đăng ký. Theo phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập, đây là lý do khiến số lượng TS xét tuyển vào các trường ngoài công lập năm nay không được nhiều như dự kiến của Bộ GD-ĐT. Đa số các trường công lập có nhiều chương trình đặc biệt, liên kết quốc tế đã thu hút một số lượng TS đáng kể đăng ký theo học. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vừa kết thúc xét tuyển ngày 16.8 đối với 10 ngành học liên kết quốc tế với 10 trường ĐH nước ngoài. Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm nay cũng xét tuyển ngành công nghệ thông tin và được gọi là chương trình chính quy đặc biệt. Trường dành 180 chỉ tiêu cho ba ngành học với điểm xét tuyển từ 18 - 21,5 điểm. Thạc sĩ Lương Kim Anh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết không khí ngày đầu nhận hồ sơ khá sôi nổi với trên 200 hồ sơ. Còn Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, TS tập trung tại trường rất đông vào buổi sáng, với khoảng gần 70 hồ sơ tính đến cuối buổi chiều. Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết đến thời điểm này trường đã xét được khoảng 1/3 tổng chỉ tiêu của trường. Các trường này đều cho biết sẽ thống kê số lượng hồ sơ của TS nộp vào mỗi ngày để công bố lên trang web của trường vào cuối ngày hôm đó. Cơ hội vào khối ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng Đặc biệt lưu ý đến thông tin xét tuyển nhóm ngành kinh tế, trong buổi trực tuyến truyền hình do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 20.8 tại www.thanhnien.com.vn, thạc sĩ Phạm Văn Đạt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết trong số 16 ngành bậc ĐH và 22 ngành bậc CĐ trường có chỉ tiêu xét tuyển, thì có nhiều ngành thuộc khối kinh tế. Chỉ tiêu cụ thể gồm: quản trị kinh doanh 50, quản lý khách sạn 100, tài chính ngân hàng 50, kế toán kiểm toán 60. Các ngành này đều xét tuyển khối A, A1 và D1 với 13 điểm. Trong số 950 tổng chỉ tiêu cần xét tuyển cả bậc ĐH và CĐ của Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM, số lượng lớn trường dành cho các ngành kinh tế gồm: tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán. Theo thạc sĩ Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, với mức từ 13,5 điểm trở lên thì cơ hội trúng tuyển vào trường là rất lớn nếu so với kinh nghiệm các năm trước. Từ Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, thạc sĩ Kim Anh cho hay chỉ tiêu bổ sung cần tuyển của trường là 1.500. Trong đó, với nhóm ngành kinh tế TS đạt từ 10 điểm trở lên nếu nộp hồ sơ vào trường sẽ có cơ hội trúng tuyển cao. Bên cạnh việc nộp hồ sơ với mức điểm từ 13 trở lên khối A, A1 và D1, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng còn tiếp nhận hồ sơ theo hình thức xét học bạ 5 học kỳ THPT với mức điểm trung bình 3 môn theo khối thi từ 6 điểm (bậc ĐH) và 5,5 điểm (bậc CĐ) vào các ngành kinh tế. Thạc sĩ Huỳnh Quốc Phong, Giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp nhà trường thông tin cụ thể, nhóm kinh tế gồm 3 ngành: tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán kiểm toán. Trong đó, quản trị kinh doanh có chuyên ngành luật kinh doanh rất thu hút người học. Hà Ánh - Đăng Nguyên - Hồng Thắm |