[KH-CN] -Lên kế hoạch mua sắm tai nghe một cách hợp lý (phần 1)

Khi bước chân vào thế giới tai nghe quá rộng lớn, bạn cũng sẽ bị choáng ngợp bởi số lượng thương hiệu và sản phẩm quá nhiều. Làm thế nào để nhận biết được chiếc tai nghe phù hợp với bạn nhất? Kế hoạch mua sắm như thế nào sẽ là hợp lý nhất cho thú chơi này?

VnReview sẽ cùng bạn đọc đam mê âm thanh đi tìm câu trả lời.


Tại mỗi thời điểm, các hãng sản xuất như Sennheiser và Sony có thể có tới hàng chục sản phẩm tai nghe phát hành ra thị trường, và chắc chắn trong số này sẽ có rất nhiều lựa chọn không hợp lý cho mức giá, hoặc không thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn.

Cùng với loạt bài về các lựa chọn tai nghe cụ thể cho các tầm giá khác nhau, cho từng loại thiết kế (ví dụ, in-ear hoặc chùm đầu cỡ lớn) và cho từng thể loại nhạc trong các tháng sắp tới, VnReview sẽ cung cấp cho bạn đọc cách lên kế hoạch mua sắm tai nghe một cách hợp lý nhất. Đây là một kỹ năng tối cần thiết để bạn đọc có thể theo đuổi thú vui audio – một thú chơi vô cùng tốn kém nếu như bạn luôn tìm tòi các âm thanh mới hơn, tuyệt vời hơn.

Cũng giống như khi mua sắm bất kỳ sản phẩm nào khác, điều đầu tiên bạn cần cân nhắc khi mua tai nghe là nhu cầu thực tế của chính bản thân mình. Nếu không cân nhắc một cách thực tế hết mức có thể tới những gì bạn thực sự cần và chạy theo những gì bạn tạm thời thèm muốn, sớm hay muộn bạn cũng sẽ đưa ra những quyết định sai lầm.


Trong phần đầu tiên của loạt bài về cách lên kế hoạch mua sắm tai nghe, hãy cùng xác định chi tiết nhu cầu sử dụng của bạn dựa trên 2 yếu tố: mức độ thoải mái và hoàn cảnh sử dụng phù hợp cho từng loại tai nghe. Trước khi đi vào chi tiết, hãy cùng lưu ý rằng các kinh nghiệm trong bài sẽ chỉ đúng với phần lớn (không phải là tất cả) các trường hợp sử dụng. VnReview cũng sẽ cung cấp cho bạn đọc một số lời khuyên trong các trường hợp đặc biệt để bạn đọc có thể lựa chọn chính xác hơn.

1. Mức độ thoải mái của từng loại tai nghe

Mỗi chiếc tai nghe đều được thiết kế để phục vụ càng nhiều người dùng càng tốt, song có một sự thật hiển nhiên là không phải ai cũng sẽ cảm thấy thoải mái khi đeo một chiếc tai nghe nào đó. Đặc điểm chung về mức độ thoải mái của mỗi loại tai nghe là như sau:

- Over-ear (cỡ lớn, chùm qua tai):


Tai nghe chùm qua tai mang lại trải nghiệm vô cùng êm ái. Trong ảnh: Beyerdynamic DT880

Đây là loại tai nghe có trải nghiệm "êm ái" nhất, nhìn chung không gây đau đầu hay đau vành tai khi sử dụng trong thời gian dài. Tuy vậy, sử dụng tai nghe cỡ lớn trong thời gian dài khiến bạn cảm giác nóng bức và đổ mồ hôi khá mất vệ sinh. Cân nặng của một số tai nghe cỡ lớn cũng sẽ là một trở ngại đối với người dùng.

Tai chùm đầu sử dụng 2 loại đệm tai (ear-pad) chính: đệm bọc nhung hoặc giả da. Đệm bọc nhung thoáng mát hơn nhưng lại cho chất bass không chắc chắn bằng đệm bọc giả da.

- On-ear (đệm tai tiếp xúc với vành tai):


Tai on-ear có trọng lượng rất nhẹ và không gây nóng. Trong ảnh: Grado SR80i.

Nhỏ, gọn và rất nhẹ là lợi thế của những chiếc tai nghe có đệm tai tiếp xúc trực tiếp với vành tai. Bạn sẽ ít khi bị toát mồ hôi khi sử dụng tai nghe dạng này.

Song, lực kẹp của tai nghe on-ear có thể quá lớn, gây đau rát tai chỉ sau 30 – 45 phút sử dụng. Đây là điểm yếu lớn nhất của tất cả các mẫu tai nghe Grado tầm thấp (chỉ sử dụng thiết kế on-ear). Khi sử dụng tai on-ear, bạn có thể sẽ phải uốn phần khung tai nghe ra ngoài để giảm lực kẹp khi sử dụng.

- Clip-on (tai nghe có gờ cài vào phía sau/phía trước tai; không dùng vòng đeo):


Clip-on cũng nhỏ gọn và không tạo lực kẹp từ 2 phía. Trong ảnh: Koss KSC75.

Tai nghe dạng "cài" vào phía sau vành tai. Do tai của bạn sẽ là điểm tựa của clip-on, bạn sẽ phải lựa chọn những model có trọng lượng càng nhẹ càng tốt. Nếu gờ cài của clip-on có hình dáng không phù hợp với cấu tạo tai của bạn, bạn sẽ gặp hiện tượng đau, rát do tai của bạn phải liên tục chịu đựng trọng lượng của tai nghe. Thật may mắn, phần lớn tai clip-on đều có trọng lượng rất nhẹ và đủ thoải mái cho phần đông người dùng.

- Neckband (vòng đeo phía sau cổ):


Cá tính cùng thiết kế neckband. Trong ảnh: Sennheiser MM10.

Những chiếc tai nghe cá tính có vòng đeo phía sau này có thể coi là một biến thể đặc biệt của clip-on. Thay vì cài lên gờ tai hoặc sử dụng vòng đeo qua đầu, neckband sẽ kết hợp lực kẹp của vòng đeo và khả năng đỡ của vành tai bằng thiết kế vòng đeo vòng ra phía sau.

Thiết kế này giúp cho tai nghe neckband tạo ra âm thanh chắc chắn, có lực hơn clip on. Song, với những người dùng có kích cỡ đầu quá lớn, neckband sẽ là một trải nghiệm vô cùng khó chịu. Bạn có thể sẽ phải đối mặt với lực kẹp quá mạnh do tai nghe quá bé (ví dụ, iGrado) hoặc trọng lượng khá lớn của neckband (tai chơi game Steelseries Siberia Neckband).

- Tai nghe in-ear (đút vào lỗ tai):


Ostry KC06A

Có thể khẳng định đây là loại tai nghe được ưa thích nhất trên thị trường phổ thông. Kích cỡ nhỏ gọn, trọng lượng siêu nhỏ và âm bass ấn tượng là những điểm mạnh không thể chối cãi của in-ear.

Tuy vậy, do có thiết kế đút tai, tai in-ear có thể gây rát, ngứa hoặc tạo cảm giác cộm khó chịu trên khu vực lỗ tai của người dùng. Tai nghe in-ear, đặc biệt là các loại cao cấp có kích cỡ lớn và cân nặng đồ sộ như XBA-H3, có thể dễ dàng rơi tuột khỏi tai trong quá trình sử dụng. Nếu không lựa chọn được kích cỡ tip (đầu tai nghe in-ear) phù hợp, bạn sẽ phải lựa chọn giữa trải nghiệm "độn tai" vô cùng khó chịu khi dùng tip cỡ lớn hoặc trải nghiệm tai nghe liên tục… rơi khỏi một bên tai khi di chuyển.

- Tai nghe earbud (đặt trong tai):


Chiếc earbud kinh điển của Apple và sản phẩm thay thế EarPods (bên phải)

Người dùng thường có ấn tượng khá xấu với tai nghe earbud, do loại thiết kế này trước đây chủ yếu được dùng để chế tác các sản phẩm "đính kèm" chất lượng kém đi cùng với Walkman hoặc iPod, iPhone. Song, với những thiết kế mới, hợp lý hơn như chiếc MX-470 của Sennheiser hoặc EarPods của Apple, tai nghe earbud đã dần lấy lại được cảm tình của người dùng.

Cũng giống như in-ear, earbud có trọng lượng nhẹ đến mức khó có thể nhận biết được. Yếu tố quyết định tới trải nghiệm earbud sẽ là cấu tạo của vành/màng loa và các lựa chọn earfit (đệm tai) đi kèm. Nếu earbud có kích cỡ quá nhỏ, những chiếc tai nghe này sẽ rất dễ rơi ra khỏi tai bạn trong quá trình sử dụng. Nếu earbud có kích cỡ quá lớn, bạn sẽ bị đau ê ẩm trên vòm tai.

Thiết kế EarPods của Apple (sau này được Sony "học hỏi" trên STH30 ) cũng là những lựa chọn earbud hấp dẫn. Cấu tạo bất đối xứng của EarPods và STH30 giúp cho các mẫu tai nghe này có thể nằm một cách vừa vặn hơn bên trong tai người dùng, khó bị rơi hơn trong khi trọng lượng vẫn giữ ở mức siêu nhẹ. Nhờ tiếp xúc tốt hơn với phần bên ngoài tai, EarPods cũng mang lại chất âm ấn tượng hơn chiếc earbud cũ của Apple và cũng không gặp hiện tượng lùng bùng như in-ear.

Tai nghe không dây


Mới gần đây các nhà khoa học mới tìm ra cách buộc tai nghe nhanh nhất, tiện dụng nhất để tránh dây bị rối

Một chi tiết khá nhỏ nhưng cũng nên chú ý trong quá trình lựa chọn tai nghe là dây nối của tai nghe. Những chiếc tai nghe có dây nối quá mỏng manh sẽ dễ bị rối khi nhét vào túi quần. Bạn sẽ phải bỏ thời gian ra buộc tai nghe đúng cách để tránh bị rối dây. Một số hãng tai nghe cũng cung cấp túi đựng dạng nhỏ đi kèm sản phẩm, song bạn vẫn sẽ phải buộc dây đúng cách để tránh bị mất thời gian gỡ dây mỗi lần sử dụng.

Tai nghe không dây sẽ giúp tiết kiệm không gian và tăng mức độ thoải mái trong quá trình sử dụng. Có lẽ, nhiều người sẽ thích có thể đọc báo, vào bếp rót một cốc nước lạnh và trở lại vị trí của mình mà không phải cởi bỏ tai nghe. Song, ngay cả các hãng sản xuất tai nghe tên tuổi như Sennheiser cũng khó có thể tạo ra một chiếc tai nghe không dây có chất âm xứng đáng với tầm giá. Ví dụ, chiếc RS180 (8 triệu đồng, giá chính hãng) của Sennheiser có chất âm thậm chí còn kém cỏi hơn cả HD558 (3,2 triệu đồng) hoặc HD598 (4,6 triệu đồng). Do đặc thù thiết kế, tai nghe không dây cũng có điện trở thấp và về mặt lý thuyết sẽ không thể đạt mức chi tiết như các tai nghe cao cấp có trở kháng cao.


Cũng giống như tai nghe khử ồn, tai nghe không dây sẽ thua kém về chất lượng âm thanh so với các sản phẩm audiophile cùng tầm giá.

2. Xác định hoàn cảnh sử dụng tai nghe để tránh làm phiền người khác

Một trong những yếu tố quan trọng nhất liên quan tới quá trình chọn lựa tai nghe là môi trường sử dụng: bạn sẽ nghe nhạc khi đi tập thể thao, khi ngồi trên xe bus, khi ngồi tại công ty hay chỉ đơn giản là khi ngồi tại nhà thư giãn? VnReview đã từng có bài viết chi tiết về cách phân biệt giữa tai nghe dạng "mở" và "đóng" cũng như môi trường sử dụng phù hợp của chúng. Bên cạnh tai nghe chùm tai (over-ear)/nằm trên tai (on-ear) được nhắc đến trong bài viết trên, việc lựa chọn giữa thiết kế in-ear (nhét vào lỗ tai) hay clip-on (gài lên tai) cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm sử dụng của bạn và những người xung quanh.

Nguyên tắc nói chung là hãy lựa chọn tai nghe không rò rỉ âm thanh khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu. Lựa chọn tai nghe cách ồn cũng sẽ có lợi cho chính bạn. Không ai muốn nghe những giai điệu du dương của My Heart Will Go On xen lẫn tiếng nói chuyện xì xào của những người xung quanh cả.

Khả năng cách âm của các loại tai nghe


Nhìn chung, nếu sử dụng trong môi trường cần tránh làm ồn gây ảnh hưởng tới người khác, hãy lựa chọn tai nghe cỡ lớn dạng đóng hoặc in-ear. Đây là 2 loại âm thanh có mức độ cách âm và khả năng tránh rò rỉ tiếng ồn ở mức tốt nhất. Trong môi trường làm việc cần sự yên tĩnh tuyệt đối, bạn nên chọn tai nghe cỡ lớn dạng đóng hoặc in-ear.

Xét trên khía cạnh cách âm, earbud và clip-on nằm giữa tai dạng đóng và tai dạng mở. Tùy thuộc vào từng sản phẩm cụ thể, tai nghe earbud sẽ có mức độ cách âm khác nhau, song nhìn chung chúng sẽ không thể cách âm tốt bằng tai nghe in-ear. Earbud cũng sẽ rò rỉ rất ít âm thanh ra môi trường xung quanh. Do thường có thiết kế dạng đóng, tai nghe clip-on (cài lên tai) và neckband (vòng sau cổ) sẽ ít khi gây ồn rõ rệt.

Nếu chỉ sử dụng tại nhà, hiển nhiên bạn có thể lựa chọn bất kỳ loại tai nghe nào mà bạn thích. Lúc này, hãy cân nhắc đến các yếu tố khác được đề cập trong các phần sau của bài viết. Song, hãy lưu ý rằng đa số các mẫu tai nghe cao cấp nhất/được ưa chuộng nhất là tai nghe cỡ lớn dạng mở.

Bạn không nhất thiết phải tránh tiếng ồn trong mọi trường hợp sử dụng


Dù là tai dạng mở nhưng dòng HD5x8 có mức độ rò rỉ âm thanh không quá nhiều và có thể coi là một lựa chọn trung hòa giữa chất âm và văn hóa ứng xử trong môi trường làm việc.

Hiển nhiên, trong một số trường hợp, bạn sẽ không cần phải áp dụng nguyên tắc chống ồn một cách quá máy móc. Ngay cả môi trường văn phòng cũng không phải là "miễn nhiễm" với tai nghe dạng mở: người viết thường xuyên sử dụng tai nghe dạng mở trong văn phòng với âm lượng không quá lớn để vừa có thể thưởng thức các bài hát ưa thích, vừa có thể nghe thấy... sếp gọi. Nếu lúc nào cũng kè kè một chiếc tai nghe dạng đóng, bạn có thể là người bất lịch sự nhất trong môi trường làm việc nhóm.

Nên mua tai nghe có tính năng khử ồn hay không?

Tai nghe khử ồn sẽ giúp bạn không bị ảnh hưởng bởi tiếng động cơ xe mỗi khi đi trên đường hay tiếng ồn trong các khu vực đông đúc như trường học, quảng trường. Đây sẽ là một tính năng tuyệt vời cho người dùng cần sự yên tĩnh tuyệt đối. Đáng tiếc, tai nghe khử ồn hiếm khi mang lại chất lượng âm thanh đạt mức tương đương với các sản phẩm cùng một tầm giá.


AKG K495 với mức giá tương đương mẫu đầu bảng AKG Q701

Ví dụ, ở mức giá 250 USD (khoảng 5,8 triệu đồng), bạn có thể mua được chiếc tai khử ồn K495 của AKG. Song, cũng ở tầm giá này, bạn có thể lựa chọn một trong ba sản phẩm chủ lực nổi tiếng của AKG (K701, K702 hoặc Q701) với mức đầu tư chênh lệch không đáng kể. So với các tên tuổi này, K495 là một sản phẩm tương đối kém cỏi nếu chỉ xét riêng về mức độ chi tiết và khả năng tái hiện âm nhạc.

Điều này có nghĩa rằng hãy suy nghĩ thật kỹ về tai nghe khử ồn. Để đổi lấy các tính năng này, bạn sẽ phải hy sinh chất lượng âm thanh ở tầm giá không hề dễ chịu một chút nào hết.

Mang tai nghe theo mình mọi lúc, mọi nơi

Nhiều người sẽ muốn dùng tai nghe khi luyện tập thể thao (chạy bộ) hoặc khi di chuyển (đi bộ, đi tàu, đi xe…). Hoàn cảnh sử dụng này đòi hỏi bạn phải tính đến cả mức độ thoải mái và khả năng cách âm.


Gần như chắc chắn, bạn sẽ không muốn chọn mua những chiếc tai nghe lớn, cồng kềnh để đi luyện tập thể thao hoặc đi trên đường. Bạn nên tránh hoàn toàn lựa chọn tai nghe dạng mở (bất kể là cỡ lớn, clip-on hay neckband) trong trường hợp này, bởi khói bụi sẽ làm hư hỏng tai nghe và các luồng gió của môi trường sẽ làm biến dạng âm thanh.

Các lựa chọn còn lại bao gồm on-ear (đệm mút nằm trên vành tai), clip-on (gài lên tai) và neckband (vòng sau cổ) dạng đóng cùng với in-ear và earbud. Nhìn chung, bạn có thể sử dụng in-ear và earbud cho phần lớn các trường hợp sử dụng (luyện tập, đi trên đường, đi ô tô, đi xe đạp…). Lưu ý rằng bạn không nên chọn những chiếc in-ear cách âm hoàn toàn khi đi bộ hoặc đi xe, bởi như vậy bạn sẽ mất khả năng theo dõi môi trường xung quanh và có thể tự gây nguy hiểm cho bản thân. Bất kể là đang dùng tai nghe dạng nào, bạn cũng rất nên tránh sử dụng tai nghe khi đi xe máy.

Với thiết kế hơi cồng kềnh và đồ sộ, các tai on-ear, clip-on và neckband sẽ phù hợp với những người thường xuyên di chuyển bằng ô tô, tàu điện hoặc những người thích đi bộ. Thiết kế khá phức tạp và hơi kìm kẹp khiến các loại tai nghe này không thực sự phù hợp cho quá trình luyện tập thể thao - vốn có yêu cầu thoải mái càng tốt và cũng bao gồm nhiều chuyển động mạnh có thể gây hư hại cho vòng đeo của tai nghe. Ngoại lệ với nguyên tắc này là một vài chiếc tai nghe dạng neckband thiết kế riêng cho người dùng thể thao.


Sony ưu ái người dùng mê thể thao với nhiều sản phẩm máy nghe nhạc chống nước có tích hợp tai nghe in-ear

Như vậy, VnReview đã cùng bạn đọc đánh giá chi tiết các yếu tố về hoàn cảnh sử dụng tai nghe. Trong phần tiếp theo của loạt bài, chúng ta sẽ cùng phân tích chi tiết về cách lựa chọn tai nghe cho mỗi dòng nhạc (Pop, Rock, Hip-hop, Classical...) khác nhau.

Lê Hoàng