(HQ Online)- Một tết Trung thu nữa đang đến gần. Trong khi nhiều địa phương chuyên sản xuất đồ chơi truyền thống đã bỏ nghề thì ở thôn Hạ Hồi, (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Tuyến vẫn cần mẫn làm những chiếc đèn Ông sao, Tiến sỹ giấy, đèn Con cá. Xu thế quay trở lại với đồ chơi truyền thống khiến sự “chung thủy” của chị Tuyến phần nào được đền đáp.
Chị Tuyến tỷ mỷ làm bộ khung cho ông Tiến sỹ giấy. Ảnh: Q.T Giữ “hồn” dân tộc Mỗi dịp Trung thu đến, ngoài bánh nướng, bánh dẻo thì đèn Ông sao, đèn Kéo quân, ông Tiến sỹ, đèn Con cá là những đồ chơi không thể thiếu trong đêm rằm tháng 8. Đây không những là món quà ý nghĩa dành cho trẻ nhỏ mà còn là kỷ vật gợi nhớ về tuổi thơ của nhiều người. Dù phần nào bị lấn át bởi đồ chơi ngoại nhập nhưng bằng sự cố gắng của các nghệ nhân, tác động của truyền thông, vài năm trở lại đây, người ta vui mừng nhận thấy sự “hồi sinh” của đồ chơi truyền thống. Không ai ép buộc, chính mỗi người Việt Nam đang tự tìm cách níu giữ ký ức xưa, tìm cách lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm đồ chơi Trung thu, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Tuyến đã say mê với những hình cắt dán, khung tre nứa. Với sự cần mẫn, tỷ mỷ và khéo léo của mình, chị Tuyến đã thổi hồn vào những thân tre, ống nứa, những viên đất sét và cả những mảnh giấy kính đủ sắc màu để tạo nên những chiếc đèn Ông sao lung linh trong đêm rằm; ông Nghè, ông Tiến sỹ giấy oai nghiêm, hình ảnh ông Đánh gậy trông trăng sinh động. Không chỉ góp phần mang lại niềm vui phá cỗ, trông trăng đêm rằm cho thiếu nhi, đồ chơi dân gian do chị Tuyến làm còn có ý nghĩa giáo dục các em về truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Chị Tuyến cho biết: “Theo ông cha kể lại, đèn Trung thu mỗi kiểu dáng lại có những ý nghĩa khác nhau. Đèn Con thỏ biểu hiện cho mặt trăng, đèn Cá chép bắt nguồn từ tích “Cá vượt vũ môn”, đèn Ông sao với hình ông sao năm cánh như ngôi sao trên quốc kỳ Việt Nam. Còn ông Tiến sỹ giấy lại là hình ảnh thể hiện truyền thống hiếu học của con Lạc, cháu Hồng. Chính vì điều này, sau đêm phá cỗ, ông Tiến sỹ giấy thường được các gia đình để trang trọng ở phòng học của trẻ nhỏ để khích lệ các em ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ với ước mơ đỗ đạt, thành người”. Với mong muốn lưu giữ những nét truyền thống đó nên dù cuộc sống đã nhiều đổi thay, nghề xưa của làng Hậu Ái đã mai một, nhưng với gia đình chị Tuyến năm nào cũng vậy, khi công việc đồng áng tạm lắng xuống, cả gia đình lại tất bất sửa soạn tre, nứa, đất thó, giấy màu cho một mùa Trung thu. Tuy đồ chơi Trung thu truyền thống chỉ làm từ những chất liệu đơn giản song để làm nên một món đồ chơi đẹp, hoàn chỉnh cần phải có kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của những nghệ nhân. “Nứa tốt phải chọn mua từ tháng 10 âm lịch năm trước vì đây là thời điểm khí hậu hanh khô, chống được mối mọt. Để nan dẻo, dễ uốn, người mua phải chọn mua được nứa bánh tẻ, mắt nhỏ, gốc và ngọn phải nở gần như nhau; nếu chọn phải nứa xấu, mắt to, cong thì khi chẻ nứa sẽ hay bị lẹm, cộc ngọn (thanh nứa không đồng đều). Đất thó (dùng để làm ông Tiến sĩ, ông Đánh gậy) phải lấy ở đồng ruộng, cho vào khuôn rồi phơi khô từ 3-5 nắng. Riêng bột dán, chúng tôi làm từ bột gạo, bột mỳ để không làm ảnh hưởng đến da tay của các cháu nhỏ. Giấy màu cũng được mua về trước vài tháng để cắt dán thành hoa văn, họa tiết trang trí cho những món đồ chơi truyền thống”- Chị Tuyến chia sẻ. Vừa hướng dẫn cháu gái dán giấy kính cho đèn ông sao, chị Tuyến vừa cho biết “So với trước đây, đồ chơi truyền thống bây giờ chỉ có màu sắc, kích thước là có chút đổi thay. Kỹ thuật phát triển nên các loại giấy màu, hoa văn trên đồ chơi bắt mắt và sinh động hơn. Bộ ông Tiến sĩ giấy thể hiện rõ sự phân cấp, ông mặc áo vàng là vua, áo đỏ là Thám hoa, áo xanh hoặc áo tím là Bản nhãn. Đèn Ông sao thì chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng làm với kích thước lớn hơn vì các em nhỏ hiện nay thường phá cỗ chung với các bạn ở các khu dân cư, tập thể, các cháu có ít không gian để cùng nhau rồng rắn rước đèn như trước”. Tuy nhiên cách làm những món đồ chơi này vẫn không thay đổi, ông Đánh gậy vẫn giữ nguyên 12 bộ phận với 32 công đoạn làm. “Thân ông Đánh gậy được làm từ cây rút, là loại cây mọc hoang ngoài đồng ruộng. Sau khi được lấy về, cây được mang phơi khô, chặt thành từng khúc để làm thân. Còn bộ đầu thì làm từ đất sét. Ban đầu đất sét có màu đen, sau khi phơi khô từ 3-5 nắng sẽ chuyển sang màu trắng. Lúc này người thợ lấy phấn viết ra nghiền nhỏ, cho vào nồi đun để tạo màu cho khuôn mặt. Tay ông Đánh gậy được làm từ những cuộn giấy nhỏ, điểm thành 3 đốt giống tay người thật, chúng được buộc vào sợi chỉ để linh hoạt trong cử động. Ngoài ra, trang phục ông đánh gậy còn có áo, quần, thắt lưng ngang, thắt lưng dài, thắt lưng ngắn (bao đựng tiền); ông đội mũ và trên trán có một cái kiều”- chị Tuyến cho biết. Giá trị cốt lõi Từ bao đời nay, Trung thu đã trở thành nét văn hóa của Việt Nam được truyền qua các thế hệ. Dù điều kiện kinh tế khó khăn thì ông bà, cha mẹ cũng cố gắng sắm cho con cháu hoa quả, bánh trái và chiếc đèn Ông sao để phá cỗ đêm rằm. Chiếc đèn Ông sao vẫn là linh hồn là kỷ vật trong đêm Trung thu của phần lớn trẻ em Việt Nam. Dù thu nhập chỉ đủ để họ trang trải cuộc sống hàng ngày nhưng mục đích cuối cùng của những người làm nghề là để giữ gìn giá trị nghề truyền thống. “Cùng làm đèn Ông sao nhưng làm bằng máy móc thì 1 ngày có thể làm được 200-300 cái, người làm nghề lâu năm như tôi chỉ được 5 cái. Người ta làm công nghiệp chỉ tết khung đơn giản bằng nan tre, nhỏ mỏng rồi buộc tạm vào nhau rồi xếp thành từng xếp rồi chất lên xe đi bán. Khi có khách mua mới chống cọc tre ở giữa để tạo độ phồng cho đèn. Tuy nhiên, đèn Ông sao cổ truyền không cần chống mà vẫn chắc chắn và phồng tự nhiên. Đèn truyền thống có thể dùng trong mấy năm, còn đèn làm công nghiệp chỉ mất thanh chống ở giữa là không chơi được”- chị Tuyến chia sẻ. Cũng theo chị Tuyến, nhờ sự tỷ mỷ và kỳ công trong mỗi sản phẩm nên những chiếc đèn Ông sao cỡ lớn sau khi được bán cho khách hàng thường được họ đem gửi lại nhờ chị chỉnh sửa, bẻ khung, cắt gián lại để mùa sau tiếp tục sử dụng. Cũng chính vì điều này, 2 năm trở lại đây, chị Tuyến nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn, được nhiều nơi mời về hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống cho trẻ em hơn. Đó chính là động lực để chị Tuyến cùng các nghệ nhân khác lấy lại niềm tin về sự tồn tại và phát triển của nghề. Để rồi chính những món đồ chơi truyền thống mới là sản phẩm được đưa đi bày bán khắp đất nước, trường tồn theo năm tháng. Người làm đồ chơi Trung thu dân gian lại có thể nuôi hi vọng sống được nhờ thu nhập từ những món đồ chơi truyền thống. |